Bối cảnh của cuộc xung đột Trận_Trân_Châu_Cảng

Kế hoạch của đòn tấn công

Đòn tấn công được trù tính sẽ vô hiệu hóa Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, nhờ đó bảo vệ cho kế hoạch xâm lược MalayaĐông Ấn thuộc Hà Lan của Nhật Bản, nơi người Nhật đang tìm kiếm các nguồn nguyên liệu thiên nhiên như dầu mỏcao su. Cả hai phía Hoa Kỳ và Nhật Bản đều duy trì lâu dài các kế hoạch phòng hờ một cuộc chiến tranh nổ ra tại Thái Bình Dương, vốn luôn thay đổi khi căng thẳng giữa hai quốc gia ngày càng leo thang trong những năm 1930, do sự đáp trả bằng cấm vận và trừng phạt với mức độ tăng dần của Hoa Kỳ và các quốc gia khác khi Nhật Bản bành trướng vào Mãn ChâuĐông Dương.

Vào năm 1940, dựa vào điều khoản trong Đạo luật Kiểm soát Xuất khẩu, phía Hoa Kỳ đã hoãn lại mọi chuyến hàng xuất khẩu máy bay, linh kiện, máy công cụ và xăng máy bay, điều mà phía Nhật Bản xem là một hành động không thân thiện.[11] Hoa Kỳ không ngưng toàn bộ việc xuất khẩu dầu mỏ sang Nhật vào lúc đó một phần là vì quan điểm đa số tại Washington cho rằng hành động như vậy có thể quá cực đoan, do Nhật còn bị phụ thuộc vào dầu mỏ Hoa Kỳ,[12][13] và dễ bị phía Nhật xem là một hành động khiêu khích.

Ban tham mưu hải quân Nhật đã nghiên cứu một cách sâu sắc sự kiện Anh Quốc tấn công hạm đội Ý tại cảng Taranto vào năm 1940. Sự kiện này đã được tận dụng triệt để nhằm lên kế hoạch cho cuộc tấn công vào căn cứ hải quân Hoa Kỳ ở Trân Châu Cảng.[14][15]

Sau khi Nhật Bản xâm chiếm Đông Dương, Hoa Kỳ đã cấm xuất khẩu dầu mỏ sang Nhật vào mùa Hè năm 1941, một phần do các giới hạn mới của Hoa Kỳ trong việc tiêu thụ dầu mỏ trong nước.[16] Tổng thống Franklin D. Roosevelt trước đó đã điều Hạm đội Thái Bình Dương đến Hawaii và yêu cầu xây dựng một lực lượng quân sự tại Philippines với hy vọng có thể làm nản lòng Nhật Bản trong việc tiếp tục xâm chiếm miền Viễn Đông. Như giới lãnh đạo quân sự tối cao Nhật nhận định (một cách nhầm lẫn)[17] rằng mọi hành động chống lại các thuộc địa Anh Quốc ở Đông Nam Á sẽ thúc đẩy Hoa Kỳ can dự vào chiến tranh,[17] một cú tấn công phủ đầu được xem như là giải pháp duy nhất[17] để Nhật Bản tránh được sự can thiệp của Hải quân Hoa Kỳ. Nhật Bản cũng cân nhắc đến việc xâm lược Philippines và cho đó là cần thiết trong kế hoạch chiến tranh của Nhật; trong khi về phía Hoa Kỳ, việc chiếm lại quần đảo này đã được quy định trong Kế hoạch Cam trong những năm giữa hai cuộc thế chiến.

Nhật Bản và Hoa Kỳ đều nhận thức được nguy cơ chiến tranh (và đều xây dựng các kế hoạch chuẩn bị điều này) ngay từ những năm 1920, cho dù sự căng thẳng trong mối quan hệ chưa thực sự bắt đầu leo thang đến tận khi Nhật Bản xâm chiếm Mãn Châu năm 1931. Trong thập niên tiếp theo, Nhật Bản tiếp tục bành trướng vào Trung Quốc, dẫn đến cuộc Chiến tranh Trung-Nhật vào năm 1937. Đến năm 1940, Nhật Bản tiến hành xâm chiếm Đông Dương nhằm ngăn chặn các con đường tiếp tế đến được Trung Quốc, đồng thời cũng là một bước đi đến việc sở hữu các nguồn tài nguyên ở Đông Nam Á. Hành động này khiến Hoa Kỳ ra lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ sang Nhật Bản, buộc Nhật Bản phải khởi động kế hoạch chiếm hữu việc sản xuất xăng dầu tại Đông Ấn.[18] Hơn nữa, việc chuyển Hạm đội Thái Bình Dương từ căn cứ trước đây ở San Diego đến các căn cứ mới ở Trân Châu Cảng được giới quân sự Nhật Bản xem là Hoa Kỳ đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu tiềm tàng giữa hai quốc gia.

Trân Châu Cảng vào ngày 30 tháng 10 năm 1941.

Kế hoạch sơ thảo cho một cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng nhằm bảo vệ cuộc tiến quân vào "Khu vực Tài nguyên phía Nam" (tên mà phía Nhật đặt cho khu vực Đông Ấn và Đông Nam Á nói chung) được bắt đầu ngay từ đầu năm 1941, dưới sự đỡ đầu của Đô đốc Yamamoto, lúc đó đang là Tư lệnh của Hạm đội Liên hợp Nhật Bản.[19] Ông giành được sự ủng hộ chính thức của Bộ Tổng tham mưu Hải quân Đế quốc Nhật Bản để vạch kế hoạch và huấn luyện cho cuộc tấn công sau nhiều cuộc tranh luận căng thẳng với Bộ chỉ huy Hải quân; ông thậm chí đã đe dọa từ chức.[20] Công việc lên kế hoạch toàn diện được tiến hành vào đầu mùa Xuân năm 1941, chủ yếu do Đại tá Minoru Genda thực hiện. Trong những tháng tiếp theo sau, phi công được huấn luyện, trang bị được cải tiến và thông tin tình báo được thu thập. Cho dù có những sự chuẩn bị như vậy, kế hoạch tấn công chỉ được Thiên hoàng Chiêu Hòa phê chuẩn chính thức vào ngày 5 tháng 11, sau ba trong tổng số bốn cuộc họp Hội nghị Hoàng gia để xem xét vấn đề.[21] Nhật Hoàng chỉ đưa ra lời cho phép cuối cùng vào ngày 1 tháng 12, sau khi phần lớn các nhà lãnh đạo Nhật thuyết phục với ông rằng bản "ghi chú của Hull" có thể "phá hủy thành quả của các sự kiện tại Trung Quốc, đe dọa Mãn Châu Quốc và hạ thấp khả năng kiểm soát Triều Tiên của Nhật Bản."[22] Đến cuối năm 1941, các căn cứ và cơ sở quân sự Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương đã nhiều lần bị đặt trong tình trạng báo động, và xung đột giữa Hoa Kỳ và Nhật là điều mà nhiều quan sát viên nghĩ đến. Tuy nhiên, các quan chức Hoa Kỳ đã hoài nghi việc Trân Châu Cảng sẽ trở thành mục tiêu đầu tiên trong một cuộc chiến tranh với Nhật. Họ cho là Philippines sẽ bị tấn công trước tiên do mối đe dọa mà nó đặt ra cho các con đường vận chuyển trên biển về phía Nam,[23] và do niềm tin sai lầm rằng Nhật không có khả năng tung ra hai chiến dịch tấn công hải quân chủ lực cùng một lúc.[24]

Hiện đang nổi lên một cuộc tranh luận xuất phát từ các cáo buộc của các nhà âm mưu học, các sử gia quân sự và các cựu quân nhân cho rằng một số thành viên trong nội các của Roosevelt đã biết trước về cuộc tấn công và đã lờ đi nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía công chúng và Quốc hội trong việc cho phép Hoa Kỳ tham chiến theo phe Vương quốc Anh và các đồng minh hay không.[25][26][27][28]

Vị trí chiến lược của Trân Châu Cảng

Quần đảo Hawaii của Hoa Kỳ ở giữa Thái Bình Dương là một chuỗi đảo dài nối tiếp nhau theo hướng từ Tây-tây Bắc sang Đông-đông Nam có diện tích tổng cộng gần 17.000 km² với khoảng nửa triệu người (ở thập kỉ 40). Lớn nhất là đảo Hawaii (trên 10.000 km²) nằm ở cực trong quần đảo, nhưng quan trọng nhất lại là đảo Oahu với diện tích khoảng 1500 km², nằm cách Hawaii khoảng 140 dặm về phía Tây Bắc. Trên bờ biển phía Nam đảo Oahu có thành phố Honolulu (200.000 dân), thủ phủ của cả quần đảo. Cũng trên bờ biển phía Nam đảo, cách Honolulu về phía Tây chừng 6 dặm là Trân Châu Cảng, căn cứ chính của hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ (kể từ năm 1940). Dựng trên một vịnh biển ăn sâu vào đất liền của đảo rồi chia thành nhiều vụng biển và luồng lạch kín đáo lại có một cù lao ở giữa vịnh được gọi là "đảo Ford" như một cầu tàu thiên nhiên. Trân Châu Cảng có điều kiện tự nhiên lý tưởng để bảo vệ hạm đội chống lại mọi sự tấn công từ bên ngoài.[29] Việc bố phòng ở cảng hết sức cẩn mật với một hệ thống lưới thép đặc biệt chống ngư lôi và tàu ngầm. Ngoài Trân Châu Cảng ra, hạm đội còn một căn cứ khác là cảng Lahaina trên đảo Maui, một đảo nằm ở khoảng giữa Oahu và Hawaii.

Nằm ở tọa độ 21°20′38″ Bắc, 157°58′30″ Tây trên đảo Oahu, hòn đảo lớn thứ ba của nhóm đảo phía Tây quần đảo Hawaii, Trân Châu Cảng có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng đối với toàn bộ vùng Bắc Thái Bình Dương. Với khoảng cách tương ứng với một tầm bay tối đa của các "pháo đài bay" B-17 từ Oahu đến bờ biển phía Tây Hoa Kỳ, Trân Châu Cảng có thể trở thành căn cứ triển khai các hoạt động của không quân oanh tạc ở Tây Thái Bình Dương. Vai trò vị trí của Trân Châu Cảng đối với hải quân còn quan trọng hơn. Do vị trí gần như ở giữa vùng Bắc Thái Bình Dương, Trân Châu Cảng vừa là căn cứ chỉ huy, căn cứ hậu cần, là cơ sở bảo duỡng, sửa chữa các chiến hạm của hạm đội Thái Bình Dương. Từ căn cứ này, Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ có thể tung sức mạnh của họ khống chế toàn bộ vùng Bắc Thái Bình Dương bằng các lực lượng tàu nổi, tàu ngầm và không quân của Hạm đội. Nếu như đối với Hoa Kỳ, Trân Châu Cảng và Midway là hai bàn đạp quan trọng nối tiếp nhau để vươn sang lục địa châu Á thì đối với Nhật Bản, Trân Châu Cảng là bàn đạp để tiến đến Hoa Kỳ và toàn bộ lục địa Bắc Mỹ. Tuy nhiên, vào những năm 1941-1942, lục quânhải quân Nhật Bản không có tham vọng đánh chiếm hoàn toàn quần đảo này như họ đã làm với quần đảo Midway. Với trận tấn công Trân Trâu Cảng, Nhật Bản chỉ đủ sức làm tê liệt Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ trong một khoảng thời gian vừa đủ để họ có thể rảnh tay đánh chiếm toàn bộ vùng bờ biển và các quần đảo Tây Thái Bình Dương, uy hiếp Ấn ĐộAustralia, đẩy lùi ảnh hưởng của Hoa Kỳ khỏi châu Á, chia đôi Thái Bình Dương với Hoa Kỳ trong một thế cân bằng chiến lược mới ở đại dương rộng nhất thế giới này, tiến tới hiện thực hóa học thuyết "Đại Đông Á".

Mục tiêu

Cuộc tấn công có nhiều mục đích chính. Trước tiên, người Nhật hi vọng nó sẽ tiêu diệt các đơn vị của hạm đội Hoa Kỳ, và do đó ngăn cản hạm đội Thái Bình Dương can thiệp vào việc Nhật chinh phục Đông Ấn. Kế tiếp, đó là cách người Nhật tranh thủ thời gian để củng cố vị thế của họ và tăng cường sức mạnh hải quân, trước khi các tàu chiến mới của Hoa Kỳ được chế tạo theo Đạo luật Vinson-Walsh sẽ xóa tan mọi cơ hội chiến thắng.[30][31] Cuối cùng, nó được trù tính sẽ là một đòn mạnh giáng vào tinh thần của người Mỹ, có thể gây nản lòng, cho phép Nhật tiếp tục chinh phục Đông Nam Á mà không bị can thiệp.[30]

Đặt mục tiêu chính vào những chiếc thiết giáp hạm là một cách đánh vào tinh thần, vì chúng là niềm tự hào của mọi lực lượng hải quân vào thời điểm đó.[30] Vì các ý tưởng chiến lược và văn kiện quân sự của cả hai phía Nhật Bản và Hoa Kỳ đều xuất phát từ công trình của Đại tá Hải quân Alfred Mahan,[32] vốn cho rằng những chiếc thiết giáp hạm có vai trò quyết định trong các trận hải chiến.[33] Nó cũng là cách đánh vào sức mạnh tác chiến của Hạm đội Thái Bình Dương; và nếu như thành công, điều đó sẽ trì hoãn, nếu không thể ngăn ngừa vĩnh viễn, trận chiến Thái Bình Dương tổng lực ("trận đánh quyết định", theo suy nghĩ của Hải quân Nhật), một cuộc chiến chắc chắn là cuộc đối đầu giữa các thiết giáp hạm. Với những suy nghĩ ấy, Yamamoto dự định phải tìm kiếm và tấn công Hạm đội Thái Bình Dương "bất cứ nơi nào có thể tìm gặp tại Thái Bình Dương."[34] Ngày 14 tháng 11 năm 1941, cuộc diễn tập trên sa đồ đã đưa ra giả định lực lượng phòng thủ khi được báo động sẽ có thể đánh chìm hai tàu sân bay của Nhật và làm hư hại thêm hai chiếc nữa, ngay cả khi có thời tiết thuận lợi;[35] đó là tất cả sức mạnh mà Bộ Tổng tham mưu Hải quân Nhật dự định tung ra cho chiến dịch này.[36] Dù sao, Yamamoto vẫn ra lệnh tiếp tục tiến hành. Phía Nhật Bản đã quá tin tưởng vào khả năng đạt được thắng lợi nhanh chóng trong Thế Chiến Thứ Hai, và do đó đã bỏ qua các mục tiêu khác trong cảng, đặc biệt là các xưởng tàu hải quân, kho chứa dầu và căn cứ tàu ngầm, vì tin rằng chiến tranh sẽ kết thúc trước khi các cơ sở đó có thể phát huy tác dụng.[37]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Trân_Châu_Cảng http://www.britannica.com/EBchecked/topic/509263 http://books.google.com/books?id=T0gt_RjeCrgC http://books.google.com/books?id=T0gt_RjeCrgC&pg=P... http://books.google.com/books?id=iydtAAAAIAAJ http://books.google.com/books?id=lq8LAAAACAAJ http://books.google.com/books?id=ogwJAAAACAAJ&dq=k... http://books.google.com/books?id=q2pFnALHfykC http://books.google.com/books?id=q2pFnALHfykC&pg=P... http://books.google.com/books?id=vx3lMi6AKmIC&pg=P... http://www.navpublishing.com/index.htm